top of page

NỖI ĐAU CHỈ LÀ TẠM THỜI

Đã cập nhật: 21 thg 1, 2021


Thời đại học, trong các môn học khủng bố thời ấy thì có một môn là Đồ Án Quá Trình Thiết Bị, tuy chúng tôi học ở trường Đại Học Tôn Đức Thắng. Nhưng mà lúc đó Thầy phụ trách lại chuyển chúng tôi sang cho các Thầy còn khủng bố ở Đại Học Bách Khoa ở bộ môn máy và thiết bị. Đó là năm tháng mà chúng tôi cảm thấy rất áp lực, vì yêu cầu của các Thầy khó lắm. Chúng tôi là dân Sinh Học, chưa thực sự rành rẽ về bộ môn máy và thiết bị như các sinh viên Bách Khoa chuyên ngành. Tôi cũng một vài người bạn được giao về cho thầy Nguyễn Văn Lục, 1 trong tứ đại thiên vương khét tiếng theo ngôn từ của sinh viên. Đặc điểm là một số Thầy cho phép được vẽ trên máy tính bằng AutoCAD, còn riếng Thầy Lục thì chỉ cho phép chúng tôi phải vẽ tay toàn bộ hệ thống cô đặc, và các thiết bị kỹ thuật theo cùng. Đề bài thì chỉ có 3 câu, còn lại chúng tôi phải tự nghiên cứu, tự đọc sách, tự đi năn nỉ các anh chị khóa trên để xin bản vẽ, đồng thời cũng không quên hỏi kinh nghiệm. Tôi lúc đó stress lắm, mỗi tuần phải chạy qua Đại Học Bách Khoa và nộp bài theo tiến độ. Tôi không nhớ là lúc đó tôi đã xe nát bao nhiều tờ giấy A1 bản vẽ, vo viên bao nhiêu tờ giấy A4 tính toán công thức để tự thiết kế và vẽ nên hệ thống Cô Đặc. Nhiều lúc đau tới mức, chỉ tính sai một công thức, do sai một số liệu trong 2 cuốn sổ tay là sẽ phải tính lại từ đầu mọi thứ. Và thời gian thì có hạn, tôi nhớ sau khi bản vẻ của tôi được duyệt để bảo vệ. Tối về tôi lo quá lại mở cuốn tài liệu ra đọc và tá hỏa khi biết được mình đã dò sai một số liệu quan trọng ảnh hưởng tới kích thước máy, mà lúc đó đã 19h00 tối mà sáng ngày hôm sau 7h30 đã phải có mặt để bảo vệ, nếu rớt đồ án điều đó đồng nghĩa với việc phải ở lại thêm 1 năm. Đêm đó, tôi nghĩ liệu có thể làm ngơ đi bảo vệ không? cuối cùng tôi quyết định là sẽ tính lại và vẽ lại toàn bộ bản vẽ lại từ đầu. Thế là tôi lại hì hụi hí hoáy, nhưng đời thì ai biết được chữ ngờ, đến khi vẽ gần xong bản vẽ thì do bò lên sàn mà vẽ thì vô tình tay phải của tôi quẹt trúng một con dao rọc giấy nhỏ và tôi điếng người, không phải vì đau mà là vì máu nhỏ xuống và dây nên bản vẽ ngay chi tiết máy. Tôi lúc ấy như thờ thẫn, nhìn lên đã 11h39 đêm, tôi nhớ như in khung cảnh đó. Tôi thừ người thếm 10 phút với nhiều suy nghĩ, hay mình cứ giữ bản vẽ cũ, hay mình cố xóa vết dơ. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ "Thôi vẽ lại, ít nhất cũng nhờ vậy mà tôi nhớ được nhiều thống số kích thước hơn". Tôi băng lại vết rách trên tay cẩn thận vì sợ nó nhỏ một lần nữa thì chết. Và lúc đó, vai tôi nó cứng đờ, ai đã từng vẽ bản vẽ này bằng tay sẽ hiểu nó khó nhọc như thế nào vì tất cả mọi chi tiết thể hiện, gạch vật liệu cắt phải thật logic. Tôi hạ quyết tâm và vẽ, vẽ và vẽ. Lúc tôi kết thúc bản vẽ và thở phào nhẹ nhõm thì đồng hồ đã là 2h55 sáng, tôi cẩn thận kiểm tra bản vẻ lần cuối, đối chiếu với bản vẽ củ, và cần thận cuộn tròn và bỏ vào ống bản vẻ và sẵn sàng để đi bảo vệ ngày mai. Lúc xong, mắt vẫn chưa ngủ được, tôi đọc một chương trong sách nói về Bơm, vốn dĩ chả liên quan gì dến bản vẽ, tôi chỉ đọc vì muốn tìm giấc ngủ. Và rồi đi ngủ thật. Sáng hôm sau, chúng tôi lên bảo vệ, tôi vẫn nhớ cảm xúc của buổi bảo vệ, Thầy hỏi tôi và tôi đáp mọi thứ, một phần do vẽ lại quá nhiều lần và đọc quá nhiều lần tôi nhớ hầu hết mọi chi tiết của bản vẽ và công dụng của các chi tiết đó. Tôi nhớ Thầy hỏi tôi một câu sau khi cảm thấy hài lòng với các câu trả lời của tôi là "Bây giờ muốn mấy điểm?", tôi thấy thôi chắc mình khiêm tốn cho chắc ăn, tôi đáp là "8", Thầy bảo nếu đáp được câu trả lời cuối cùng này thì sẽ phá lệ cho con số này, vì sáng giờ chưa có ai đạt tới con số này, và hỏi tôi là tôi có muốn không? Nghĩ lại cũng liều, tôi nói "Dạ Thầy". Thầy hỏi tôi câu hỏi cuối mà bây giờ mà tôi vẫn nhớ như in "Em có biết một loại bơm nào mà nó cần một ít nước để hoạt động tốt nhất, không cần nhiều nhưng chỉ cần một ít thôi". Tôi nghĩ Oh My God, đó chính là câu hỏi nằm trong chương sách mà hôm qua tôi đã đọc và chương Bơm, tôi đáp ngay đó là :Bơm Chân Không Vòng Nước, lý do nó cần một ít nước vì nước trong bơm sẽ khi bơm ly tâm hoạt động sẽ tạo ra một lớp áo nước giúp bịt kín bơm và tạo ra áp suất chân không". Và Thầy ngạc nhiên hỏi tôi làm sao biết nó, tôi đáp là tôi đọc trong sách phần Bơm, và rồi Thầy quay xuống hỏi các bạn tham dự buổi ngày hôm đó rằng "Mấy đứa phục chưa?", rồi mỉm cười hài lòng. VÀ tôi đã vượt qua Đồ Án như vậy đó, tôi biết ơn sâu sắc giọt máu từ con dao rọc giấy và những cuốn sách. Sau này tôi quay trở về Trường với tư cách giảng viên và được sắp vào hội đồng ngồi chung với Thầy Lục, Thầy Lục nhận ra tôi và 2 thầy trò chuyện như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.

Mặc dù, có lẽ tôi sẽ không cần bao giờ phải đụng tới những kiến thức quá trình thiết bị sau này, nhưng trải nghiệm đó cho tôi nhiều bài học hơn là bản thân kiến thức. Chúc mọi người luôn vượt qua được những khó khăn của mình - Nỗi đau chỉ là tạm thời - Lợi ích sẽ còn mãi mãi. Biết ơn.


"Nếu người ta biết được tôi đã làm việc vất vả như thế nào mới đạt được thành công như vậy, hẵn họ sẽ không còn cho đó là điều kì diệu nữa" Michelangelo

#sharewithpassion #sharewithcompassion

19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

TỨ NHIẾP PHÁP

bottom of page